LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT MÌNH CÓ NHIỄM HIV HAY KHÔNG

Nhiễm HIV giai đoạn sớm không nhất thiết phải có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để bạn biết mình có nhiễm HIV hay không.
Xét nghiệm HIV là gì?
Xét nghiệm HIV là một xét nghiệm đặc biệt giúp bản thân mình có bị nhiễm HIV hay không. Xét nghiệm không trực tiếp tìm vi rút HIV mà chỉ tìm kháng thể chống vi rút HIV. Đó là do khi HIV xâm nhập, cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại HIV. Vì thế các kháng thể này có trong máu của người nhiễm. Tuy nhiên cơ thể cần phải có thời gian để sản xuất một lượng kháng thể đủ lớn để có thể phát hiện được bằng xét nghiệm. Điều này giải thích tại sao có khoảng thời gian trống từ khi một người bị nhiễm cho đến khi xét nghiệm HIV có thể phát hiện được kháng thể khoảng thời gian đó được gọi là “giai đoạn cửa sổ” và thường kéo dài tới 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm HIV.
Bạn cần làm một xét nghiệm khác sau 3 tháng để khẳng định tình trạng âm tính của mình. Trong thời gian này sử dụng bao cao su để tự bảo vệ mình và không dùng chung bơm kim tiêm.

           Bất kỳ một ai muốn biết mình có bị nhiễm HIV hay không đều nên tìm kiếm đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình có thể đã tiếp xúc với vi rút HIV thì bạn nên đi làm xét nghiệm kiểm tra.
Sau khi xét nghiệm, nếu bị nhiễm HIV thì tôi nên làm gì ?
            Bạn không nên hoảng hốt, lo sợ, bi quan và buồn chán. Nhiễm HIV không phải là tội hay tệ nạn xã hội xấu xa đáng bị xã hội ruồng bỏ mà chỉ đơn thuần là một căn bệnh cho đến nay khoa học chưa tìm ra thuốc chữa trị và vắc xin phòng bệnh. Kết quả xét nghiệm dương tính chỉ có nghĩa là bạn đang có HIV trong máu. Thực tế cho thấy nhiều người nhiễm HIV vẫn sống hoàn toàn bình thường khỏe mạnh trong nhiều năm và bạn hoàn toàn có quyền được hy vọng rằng trong thời gian đó khoa học sẽ phát triển và sẽ tìm ra thuốc chữa. Các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẵn sàng chỉ dẫn, tư vấn cho bạn thêm những điều cần thiết để đối phó với tình huống này.
             Pháp luật qui định bạn phải thông báo cho vợ hoặc chồng mình về việc bạn bị nhiễm HIV, nhưng bạn không có nghĩa vụ phải nói điều đó cho bất cứ người nào khác. Bạn vẫn có thể làm việc, tham gia các hoạt động xã hội bình thường.
Tuy nhiên, nếu công việc bạn đang làm thuộc danh mục những nghề, công việc mà pháp luật qui định người bị nhiễm HIV/AIDS không được làm thì bạn nên chủ động đề nghị được chuyển sang làm một công việc khác phù hợp với mình và với các qui định của pháp luật. Việc chuyển người bị nhiễm HIV/AIDS sang làm công việc khác phù hợp hơn cũng là trách nhiệm người chủ sử dụng lao động. Bạn cũng cần chủ động hạn chế bớt một số hoạt động hoặc áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác, ví dụ như khi có quan hệ tình dục phải dùng bao cao su và đặc biệt không nên có con. Tuy nhiên nếu người nhiễm HIV thực sự có nguyện vọng sinh con thì nên đến các cơ sở y tế; Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh để được tư vấn và thực hiện các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bạn nên đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh bị cảm cúm hay các bệnh thông thường khác có thể làm cơ thể suy yếu. định kỳ bạn nên đi khám sức khỏe, tham khảo ý kiến của bác sỹ để có biện pháp chữa trị thích hợp. Hãy luôn nhớ rằng các quyền cơ bản của bạn như quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được khám chữa bệnh, có việc làm, tự do cư trú đi lại, quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm……được pháp luật bảo đảm và bạn có thể khiếu nại đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp các quyền của bạn bị vi phạm.

       Nếu bạn có những băn khoăn, lo lắng về HIV, bạn nên tìm đến phòng tư vấn miễn phí xét nghiệm tự nguyện HIV và được giữ bí mật tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Bình.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn hivquangbinh.org.vn như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Copyright © 2021 | hivquangbinh.org.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status