Điều trị ARV là một phần trong tổng thể các dịch vụ
chăm sóc và hỗ trợ về y tế, tâm lý và xã hội cho người nhiễm
HIV/AIDS. Điều trị ARV chủ yếu là điều trị ngoại trú và được chỉ định khi
người bệnh có đủ tiêu chuẩn lâm sàng hoặc xét nghiệm và người bệnh đã sẵn sàng
điều trị. Hiện nay, Cục phòng, chống
HIV/AIDS, Bộ Y tế đã ban hành quy định mới về tiêu chuẩn điều trị ARV cho bệnh
nhân nhiễm HIV/AIDS. Đây là bước tiến quan trọng tạo điều kiện cho nhiều bệnh
nhân được tiếp cận sớm với việc điều trị ARV, tăng hiệu quả điều trị hướng đến
đạt được mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%
vào năm 2020. Tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV ở người lớn và trẻ
trên 5 tuổi theo chỉ số CD4 từ dưới hoặc bằng 350 tế bào/mm3 thành dưới hoặc bằng
500 tế bào/mm3. Điều này nghĩa là bệnh nhân không phải chờ đến khi
tế bào CD4 giảm xuống dưới hoặc bằng mức 350 tế bào/mm3 mới được chỉ định
khởi động điều trị ARV. Tiêu chuẩn mới cũng nêu rõ: tất cả phụ nữ nhiễm HIV
mang thai hay đang cho con bú đều được điều trị thuốc kháng virus ARV sớm hơn
thay vì hướng dẫn khởi động điều trị dự phòng mẹ con từ tuần thai thứ 14 như
trước đây, có vai trò quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang
con, nhằm thực hiện mục tiêu không có ca nhiễm HIV mới, đặc biệt trong nhóm trẻ
sinh ra từ mẹ nhiễm virut HIV. Việc điều trị ARV cho các đối tượng là người có
bạn tình hay vợ/chồng không bị nhiễm HIV; bệnh nhân đồng nhiễm virut viêm gan
B, C; bệnh nhân nằm trong các nhóm nguy cơ cao là những người tiêm chích ma
tuý, mại dâm, đồng tính nam; người nhiễm HIV trên 50 tuổi, người nhiễm HIV sống
và làm việc tại miền vúi, hải đảo, vùng sâu vùng xa…sẽ được điều trị bằng ARV
ngay khi có phát hiện HIV mà không phụ thuộc vào chỉ số CD4. Với trẻ dưới 5
tuổi, chỉ định điều trị ARV sẽ dành cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi nhiễm HIV không
phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4. Trẻ dưới 18 tháng tuổi
nếu có xét nghiệm PCR dương tính hoặc xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính
và có biểu hiện nấm miệng, viêm phổi nặng, nhiễm trùng nặng…cũng sẽ được điều
trị ARV. Thay đổi này sẽ góp phần giảm tỉ lệ bệnh cơ hội cũng như tỷ lệ tử vong
trên trẻ nhỏ nhiễm HIV.
Những
thay đổi này đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh sớm tiếp cận được điều
trị ARV, nâng cao hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh,
mang lại lợi ích to lớn cho dự phòng lây nhiễm HIV, góp phần khống chế tỉ lệ nhiễm
HIV trong cộng đồng, thực hiện mục tiêu chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm
2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ. Điều trị ARV có tác dụng ngăn ngừa lây
truyền HIV. Những người nhiễm HIV khi được điều trị bằng thuốc ARV sẽ giảm nguy
cơ gây nhiễm cho người không nhiễm HIV khi có tiếp xúc với máu và dịch sinh
học. Ngoài ra khi điều trị ARV sớm người nhiễm HIV được bảo vệ sức khỏe vẫn có
thể lao động bình thường và giảm được chi phí điều trị ARV.
Hùng Dũng